Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam dịch bệnh ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, song không tác động nhiều đến nhà đầu tư bởi họ luôn cần đi trước thị trường.

5.400 doanh nghiệp bất động sản ra đời

Ông Cấn Văn Lực cho biết, 9 tháng năm nay số đoanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng. Cụ thể, 5.400 doanh nghiệp mới ra đời, vốn vẫn giảm, vốn đăng ký là 343 nghìn tỷ. Ông cho biết thêm, với bất động sản, vốn FDI quan trọng.

Ngoài ra, phát hành trái phiếu nhận vốn quan trọng. 8 tháng đầu năm toàn doanh nghiệp Việt phát hành 399.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là 108.000 tỷ, chiếm 35 % lượng tiền trái phiếu phát hành. Một kênh đầu tư tiếp theo là cổ phiếu, thị trường chứng khoán có 81 doanh nghiệp bất động sản.

Chia sẻ về tình hình thị trường bất động sản, ông Lực cho biết thê, giá bất động sản năm 2020 tăng 5,6% toàn cầu, bất chấp dịch bệnh. Một số nước “sốt” như Australia, Canada. Đây là một kênh đầu tư trung và dài hạn của nhà đầu tư.

Với Việt Nam, khả năng phục hồi mạnh bắt đầu từ quý IV, quý III là quý đáy của nền kinh tế. Ông Lực dự báo có hai kịch bản, năm nay kinh tế tăng 2,5 %, nếu tốt hơn sẽ tăng 3%, năm tới tăng 6-7%.

Năm 2020, Việt Nam gia tăng 3% lượng kiều hối (17,2 tỷ USD) trong khi thế giới giảm 7%. Năm nay Ngân hàng thế giới dự báo tăng nhẹ, khoảng 18 tỷ USD.

Hiện nay, nhà đầu tư bất động sản có xu hướng đầu tư các dự án ngoại ô, nghỉ dưỡng, không chọn những khu vực trung tâm như Hà Nội và TP HCM.

Tiếp phần trình bày của ông Cấn Văn Lực, nhận xét về xu hướng đầu tư vào Quảng Bình và các tỉnh miền Trung, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, có tiềm năng phát triển rất lớn, ngay từ những bất lợi trước đây như nắng, gió hay hang động núi rừng. Logic phát triển của Quảng Bình nói riêng, miền Trung nói chung khác hẳn với miền Bắc và Nam cả về cả văn hóa, địa hình. Theo đó, ông khẳng định, du lịch của vùng này sẽ phát triển rất nhanh.

e36d46e222c7eb99b2d6-5919-1633513732.jpg
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: Phạm Chiểu

Tín hiệu của thị trường

Covid-19 qua 4 lần xảy ra trong 2 năm là một thời gian rất dài. Ở góc độ quản lý Nhà nước, Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng càng về lâu dài, bất động càng bị ảnh hưởng, nhiều dự án dừng, nguồn cung giảm.

Dẫu vậy, giao dịch 2020 và 2021 có sự thay đổi. Trong 6 tháng đầu năm nay, giao dịch bất động sản nhiều hơn rõ rệt. Nhưng tính chung có giảm so với năm 2019.

d0927c1f183ad164882b-3178-1633513637.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Khởi. Ảnh: Phạm Chiểu

Có nhiều người phải “cất tiền” chờ Covid-19 mới mua nhà. Phần nào đó ông Khởi cho rằng bất động sản vẫn được quan tâm lớn. “Mua được một bất động sản đôi khi lại là mục tiêu của nhiều người trong Covid-19”, ông Khởi nói.

Hiện nay nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường bất động sản cuối năm. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả nhà bán lẫn người mua theo ông Khởi.

Thị trường cần liên kết chặt chẽ

Theo ông Đặng Hùng Võ, từ trước khi Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản đã trục trặc về khung pháp lý.

Thứ nhất, khung pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chưa ổn. Câu chuyện này đã cũ nhưng đến này vẫn chưa được giải quyết. Mô hình bất động sản “đa công năng”, có thể làm dịch vụ, nhà ở, văn phòng… phù hợp với xã hội hiện đại nhưng các nhà phát triển chưa thể làm điều này. Thứ hai, về luật đất đai, các nhà đầu tư có thể tạo ra tài chính từ đất, thay vì vay tiền để đầu tư bất động sản. Đây là vấn đề lớn, cần phải giải quyết trong thời gian tới.

511d40536e76a728fe67-9251-1633513520.jpg
Chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ. Ảnh: Phạm Chiểu

Bên cạnh đó, thị trường này còn một số vấn đề khác về khung pháp lý cho một số mô hình bất động sản khác. Các cơ quan chức năng nên liên kết để có thị trường bất động sản thống nhất, toàn diện. Từ đó, Việt Nam có thể vẽ nên bức tranh bất động sản tổng thể vì lợi ích chung. Các hiệp hội có thể khuyến nghị và nhà nước sẽ quản lý. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là tất cả các nhóm đối tượng đều cần vì lợi ích chung, không xâm lấn của nhau, như vậy, thị trường bất động sẽ có liên kết chặt hơn.

Về lời khuyên có giới đầu tư, ông Võ cho rằng cần chú trọng yếu tố thông tin. Nếu không có thông tin, các nhà đầu tư không thể dự báo để bắt tay vào phát triển.

toa-n-ca-nh-jpeg-4172-1633512937.jpg
Các diễn giả tham gia toạ đàm. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Quyết đồng quan điểm với ông Đính trước đó, nhiều câu chuyện ngành bất động sản liên quan đến thủ tục hành chính, có nhiều dự án đắc địa, thanh khoản tốt nhưng vướng thủ tục pháp lý. Ví dụ dự án 450 ha giáp với thành phố Thanh Hóa – dự án khu công nghiệp Hoàng Long mấy năm nay không thể tiến hành vì chờ thủ tục của thành phố. Hiện nay, dự án dừng ở lấy ý kiến các bộ ngành.

Thủ tục khiến dự án phải mất 3-5 năm mới xong. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát, cơ quan hành chính hạn chế gặp người dân, thủ tục tắc nghẽn.

Theo ông, tâm lý chung, người Việt muốn sở hữu bất động sản, nhiều người có tiền sẽ nghĩ đến mua đất, mua nhà. Ông khuyên các nhà đầu tư bất động sản, ở đâu có thanh khoản, có thị trường thì đầu tư, không chạy theo “sốt”. Nếu là nhà đầu tư cá nhân, chỗ nào thấy “sốt” là bán ngay.

Thị trường bất động sản không “chết”

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết ông cùng các cộng sự thường xuyên bám sát tình hình thị trường, từ khi bắt đầu xuất hiện Covid-19 đến nay.

Từ đầu 2020, từ đợt dịch đầu tiên, ông cũng cảm thấy hoang mang, lo sợ. Từ quý 1, tỷ lệ giao dịch đã chạm mức thấp nhất kể từ khủng hoảng năm 2013, tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, tập trung tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối 2020, ông khẳng định thị trường bất động sản không vướng phải khủng hoảng.

Nhìn chung, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư lấn vào bất động sản – thị trường có tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công… Theo đó, thị trường không có nhiều sản phẩm mới, dẫn tới cung không đủ cầu.

Trong quý 3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạn giao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm bởi đây là đối tượng cần đi trước.

Vì vậy, ông Đính khẳng định, bất động sản có bị tác động tiêu cực đến “sức khỏe” nhưng thị trường này vẫn có sức sống, “không chết, chững hay phải đứng lại” do bối cảnh dịch bệnh.

Thị trường có những thay đổi linh hoạt trong khó khăn

Để làm rõ các ý kiến của ông Thiên, chuyên gia kinh tế – Võ Trí Thành mở rộng thêm về xu hướng tiêu dùng “trả thù”. Ông tự đặt ra hàng loạt câu hỏi: Nền kinh tế này sẽ phục hồi như thế nào? Bất động sản là lĩnh vực quan trọng ở góc độ tài sản, đời sống, nhà đầu tư có thể nắm giữ? Quý ba vừa qua tăng trưởng của Việt Nam được xem là thấp nhất trong lịch sử, khó khăn là rất lớn. Song ông đánh giá vẫn có những điểm tích cực.

Đầu tiên, về yếu tố dịch bệnh, thời gian đầu tiêm chủng chậm, 40 ngày trở lại đây rất nhanh, đây là điều kiện quan trọng để quay lại trạng thái bình thường. Thứ hai, chiến lược chống dịch thay đổi, là tiền đề quan trọng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi, dù có khó khăn, năm nay tăng tưởng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng dương.

“Chúng ta khống chế được dịch. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên. Đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều kỳ vọng. Hai năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam thì bất động sản vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt. Xét về góc độ người tiêu dùng lại khó khăn vì giá tăng. Điều này phản ánh dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, ăn toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản”, ông nói.

Ông cho biết thêm, vừa tham gia hội thảo tiêu dùng, phân tích nhiều nhóm tiêu dùng. Trong đó có nhóm lưng chừng, cẩn trọng, nhóm có tiền, trung lưu. Điểm chung của các nhóm này xu hướng tiêu dùng “trả thù”. Thực tế, những nước trở lại bình thường nhanh, như Trung Quốc, du lịch phục hồi nhanh, tiêu dùng xa xỉ.

Việt Nam cho thấy những thay đổi trong những lúc khó khăn. Hiện, với trạng thái mở cửa dần, phục hồi, xu hướng thay đổi sẽ tiếp tục. “Nếu chúng ta quan sát ở Việt Nam, giai đoạn dịch, không phải tỉnh nào cũng tăng trưởng âm. Cụ thể, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, tăng trưởng 14%. Điều đó sẽ tiếp tục cả giai đoạn phục hồi. Bên cạnh động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng, thương mại đều phục hồi nhanh”, ông Thành nói thêm.

Về góc độ đầu tư, vị chuyên gia đánh giá giai đoạn vừa qua, Việt Nam giải ngân đầu tư công chậm. Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ ràng về giải ngân đầu tư công và quy hoạch rõ về hạ tầng. Các quy hoạch sẽ dần trở thành hiện thực, trong đó có sân bay Long Thành, hạ tầng hoàn thiện kéo theo phát triển kinh tế.

Trước đây, các vấn đề về pháp lý, đất đai, luật kinh doanh bất động sản có thể lằng nhằng hiện đã có cải thiện để dự án triển khai nhanh hơn. “Chúng ta kỳ vọng có những sức bật trong tương lai”, vị chuyên gia chia sẻ.

Kinh tế phục hồi kéo bất động sản trở lại

Mở đầu tọa đàm, PGS. TS Trần Đình Thiên chia sẻ ngắn gọn về bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam năm qua. Theo ông có 4 ý chính để nói về thị trường. Đầu tiên, bất động sản thường có xu hướng phát triển trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Hiện nay cả nước vẫn “chưa khoát khỏi tâm trạng buồn” của những chỉ số tăng trưởng âm. Do đó, những biện pháp giúp hàng hóa, tiền tệ lưu thông cần nhiều thời gian để phục hồi nhưng khá rõ nét.

Thứ hai, thị trường bất động sản thế giới đang có sự phục hồi nhanh, có thể yếu tố giúp cho bất động sản trong nước đi lên.

Thứ ba, số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.

Và cuối cùng theo ông Trần Đình Thiên nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, sẽ cần sự ưu tiên chính sách. Làm sao cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng.

Sau gần 2 năm đối mặt với Covid-19, cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam không đứng ngoài tác động tiêu cực. Dù vậy, ngoài phân khúc cho thuê mặt bằng, hay nghỉ dưỡng tạm thời giảm thanh khoản do nhu cầu thị trường, gần như các sản phẩm nhà ở cao cấp, đất nền, đặc biệt là đô thị ven biển… đều có dấu hiệu khả quan. Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, bất động sản vẫn nhận nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư ngay cả trong dịch bệnh. Đặc biệt là các dòng sản phẩm đất nền bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng tăng giá cao.

Với định hướng vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, cộng hưởng với độ phủ vaccine trên toàn quốc của Chính phủ thời gian qua ít nhiều đã mang lại sự khởi sắc cho thị trường. Trong báo cáo quý 3 vừa qua, Hội Môi giới bất động sản cũng ghi nhận phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý III đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280, tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6%. Các tỉnh, thành có sản phẩm chào bán gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc… Trong đó, Quảng Ninh là khu vực có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất.

Trong nguy có cơ, giữa bối cảnh dịch bệnh, thị trường cũng ghi nhận xu hướng chuyển dịch bất động sản từ trung tâm nội đô ra vùng ven, hoặc các địa phương lân cận – nới có sẵn hệ thống hạ tầng đồng bộ. Điều này cũng kéo theo không ít nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường nhằm tận dụng lợi thế giá “mềm”, chính sách bán hàng ưu đãi và tầm nhìn quy hoạch từ các địa phương.

Vậy trong điều kiện bình thường mới, những xu hướng này tác động ra sao lên thị trường bất động sản? Phân khúc nào sẽ trở lại đường đua thị trường nhanh chóng sau Covid-19? Khu vực nào sẽ hút dòng vốn đầu tư từ các F0 trên thị trường… Đây cũng là những nội chính được các chuyên gia bàn thảo tại toạ đàm trực tuyến trên VnExpress với chủ đề: “Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới – Nhu cầu mới – Xu thế mới”.

Toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế gồm: ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam; chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia; ông Nguyễn Mạnh Khởi. Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây Dựng cùng đại diện một số doanh nghiệp bất động sản.

Nguồn: vnexpress.net